TIỆM HÌNH NGỌC CHƯƠNG Ở SÀI GÒN / TP.HCM
Hình 1: Cụ Phạm Ngọc Chương (1918-2001) |
1- Cứ mỗi lần vào làm phim ở Sài Gòn, dù thời gian eo hẹp đến đâu, không lần nào tôi không ghé thăm ông chủ tiệm hình Ngọc Chương.
Đứng về vai vế trong họ Phạm ở làng, tôi với ông Chương bằng vai nhau. Cùng đời thứ 9 - họ Phạm Chi 2 làng Lai Xá. Nhưng mẹ ông Chương, cụ Ả Bôi là chị ruột ông ngoại tôi (cụ Tư Rự). Nên tôi phải gọi ông là bác xưng cháu.
Bác Chương có người con trai thứ 5 là Phạm Ngọc Bình kém tôi 3 tuổi (sinh 1957) ra Hà Nội học quay phim ở Đại học Sân khấu - Điện ảnh cùng nghề với tôi nên mỗi lần vào Sài Gòn, tôi luôn được bác ưu ái hơn người làng bình thường. Bác tự làm tài xế Honda chở tôi đi chơi, thăm bà con họ mạc trong Sài Gòn. Rồi vừa đi vừa say sưa kể về những năm tháng đầu tiên bác rời làng vào Nam lập nghiệp như thế nào.
Hôm đó nhân tới thăm ngôi nhà LAI XÁ NGUYỄN ĐƯỜNG vào dịp hè năm 1990 tôi tới thắp hương tưởng niệm cụ Tổ Nhiếp Ảnh của Làng. Tôi thấy trên ban thờ sơ sài bát hương, di ảnh và hũ tro cốt của cụ Nguyễn Đình Khánh ẩm ướt do gian nhà bị dột nát. Mối xông tới 1/3 bức chân dung của cụ Khánh. Nhìn lên nóc nhà thấy ngói xô dạt trơ cả dui mè. Xà gồ hoen ngấn nước mưa. Tôi có hỏi bà cụ trông coi (người nhỏ nhắn răng đen, khăn vấn giống hệt bà Yến Toàn hàng xóm đối diện bên kia Đình Đụn nhà tôi ở quê). Bà nói đã báo với cụ Luyện (là người đã mua và tu tạo ngôi từ đường làm nơi hội ngộ bà con đồng hương Lai Xá hàng năm), nhưng chắc cụ bận chưa cho thợ tới sửa lại được.
Lo ngại tấm ảnh thờ có nguy cơ hỏng mất, tôi bàn với bác Chương là phải cứu ngay tấm hình đang bị mối tấn công, bằng cách mang về tiệm nhờ anh Chú chụp lại phòng khi bức ảnh thờ hỏng còn có thể phóng rọi ra để lưu giữ về sau… Nhân dịp này tôi có hỏi kỹ về lịch sử nghề ảnh của người Lai Xá hình thành và phát triển ở đất Phương Nam ra sao. Bác hẹn đến tối ăn cơm xong bác sẽ kể. Vậy mà chưa ăn cơm xong đã thấy bác ra võng bật đài BBC rồi ngủ từ lúc nào. Mấy hôm sau, khi quay xong ở sân bay Tân Sơn Nhất và những cảnh cuối cùng tại Đại học Giao thông - Vận tải phân hiệu 2 ở Thủ Đức, trước khi ra Hà Nội, tôi tới từ sớm, mò lên gác hai để nghe bác kể câu chuyện dang dở hôm trước thì mới thấy cuộc thiên di phương Nam của bác và gia đình không như những hình dung trước đó của tôi.
2. - Bác Chương là con trai thứ sáu trong một gia đình khá giả thuộc hàng nhất ở làng. Lai Xá xưa vốn là làng thuần nông và thêm nghề canh cửi, nghề phụ những lúc nông nhàn. Đúng 16 năm trước khi bác Chương chào đời (1918), ở làng có cụ Nguyễn Đình Khánh ra tỉnh (Hà Nội) làm phụ bếp cho một tiệm hình của người Tàu. Nhờ được chủ yêu mến lại sáng dạ cụ Khánh đã học được nghề làm ảnh và đã mạnh dạn mở hiệu ảnh của riêng mình lấy tên Khánh Ký ở phố Hàng Da, tiệm khai trương vào năm 1892.
Khác với cụ Đặng Huy Trứ - mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường đầu tiên tại Việt Nam (1869), ở phố Thanh Hà (Ngõ Gạch) Hà Nội chỉ tồn tại được có 4 năm. Thì hiệu Khánh Ký ăn nên làm ra và thu nạp thêm nhiều thợ ảnh người làng và phát triển rộng khắp Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nghề ảnh hồi cuối TK-19 đầu TK-20 là nghề “hot” thời thượng nhất ở xứ Đông Dương thuộc Pháp, trở thành động lực hấp dẫn hầu hết các gia đình trong làng. Các cái tên: Hân, Hoan, Chụp, Ảnh (tên bố và các anh chị của bác Chương) đã chứng minh cho niềm đam mê nghề ảnh của song thân bác Chương tới mức nào.
Hình 2: Cụ Phạm Ngọc Chương - khoảng năm 1930 |
Năm 13 tuổi bác được bố mẹ gửi tới tiệm hình của một người cùng làng ở Nam Định để theo học nghề ảnh. Bác Chương kể đang sống ở quê trong một gia đình khá giả có của ăn của để, người ăn kẻ ở nay phải xa bố mẹ đi học nghề. Đang độ tuổi cưỡi trâu thả diều, đánh bi đánh đáo. Nay phải xa quê, phải làm tất cả các việc vất vả từ quét nhà, lau bàn ghế, pha cà phê, mua bánh mì ăn sáng cho các thợ lành nghề. Có vậy mới mong học được tất cả các bí quyết của các thầy truyền dạy cho.
Năm đầu tiên đi học nghề là một thử thách không nhỏ đối với một cậu thiếu niên mới lớn lần đầu tiên xa gia đình. Cậu bé nông thôn không khỏi nhớ nhà. 30 tết rồi, cậu nhỏ học việc muốn về quê ăn Tết mà không thấy ông chủ tiệm đả động gì nên cứ đi ra đi vào thơ thẩn với vẻ mặt buồn thiu. Tới trưa, ông chủ mới gọi lên phòng riêng hỏi sao buồn thế, có thích về quê ăn Tết không. Cậu bé tưởng bở thú thật nỗi nhớ nhà, nhớ thầy u, bạn bè và mong được phép về quê ăn Tết. Lúc ấy ông chủ mới thẳng thừng nói, mỗi dịp Tết đến là công việc ở tiệm hình rất bận rộn. Năm nay, khách đăng ký chụp khá đông nên thợ thuyền không một ai được về quê ăn Tết cả. Nếu anh cứ muốn về quê ăn Tết bằng được, tôi sẽ cho anh tiền để về … ăn Tết xong anh có thể ở nhà luôn không cần phải tới đây nữa. Nghe thấy vậy, mặt bác Chương xanh như tàu lá, sợ và nằn nì ông chủ cho ở lại tiếp tục học nghề. Năm đó là xuân Tân Mùi (1931).
Hình 3: Cụ Phạm Ngọc Chương - khoảng năm 1939 |
3.- Khi học được thành thạo các công việc về ảnh để có thể độc lập hành nghề được thì năm 1938, sau khi cưới vợ, bác Chương đã ngược dòng sông Cái lên Việt Trì mở một tiệm hình nho nhỏ. Nhưng do còn trẻ chưa có kinh nghiệm nên năm sau (1939), tiệm phải đóng cửa, bác tìm vào Sài Gòn làm thuê trong Labo một tiệm hình khá nổi tiếng do người Pháp làm chủ. (Tiệm hình Sipeo-Photographique).
Hình 4: Cụ Phạm Ngọc Chương và đồng nghiệp ở trước cửa Labo - Sipeo Photographique - Sài Gòn 1939 |
Vào Sài Gòn làm việc nhưng tâm hồn vẫn để cả ở quê nhà. Nơi ấy có thầy u, có người vợ trẻ nên bác vẫn ra Bác vào Nam mỗi đợt nghỉ phép hàng năm. Mảnh đất phương Nam nơi có một số người Lai Xá vào lập nghiệp từ thập niên 1920, 1930 là mảnh đất hấp dẫn đặc biệt đối với chàng thanh niên trẻ làng Lai - Phạm Ngọc Chương. Nhưng nhà cụ Phạm Gia Hân gần chục bận sinh nở mà chỉ đậu được có 6 người con (hai trai, bốn gái). Thời điểm bác Chương ra nghề chỉ còn lại 5 chị em nên các cụ cho con trai đi học ảnh nhưng vẫn muốn con trai lấy vợ làng và lập nghiệp ở ngoài Bắc để gần gũi bố mẹ và quê hương.
Hình 5: Cụ Phạm Ngọc Chương đang tác nghiệp trong buồng tối - Sài Gòn 1939 |
Hai bác Chương nên gia thất theo tập quán “cha mẹ đăt đâu con ngồi đấy“. Được hai bên gia đình môn đăng hậu đối hứa gả con cái cho nhau từ lúc bác trai 16 tuổi còn bác gái (Nguyễn Thị Chữ) mới 14 tuổi. Lúc chuẩn bị làm lễ cưới thì bố bác Chữ mất đột ngột nên việc cưới xin đành phải tạm gác lại chờ đoạn tang. Đám cưới hai bác được tổ chức sau đó 4 năm - năm Mậu Dần (1938). Sau đám cưới một năm, do hai bác chưa có tin vui, hơn nữa việc mở tiệm ở ngoài Bắc không mấy thuận lợi nên bác trai vào Sài Gòn làm thuê cho chủ Tây còn bác gái vẫn ở làng sống cùng bố mẹ chồng.
Hình 6: Cụ Phạm Ngọc Chương trên hè phố Sài Gòn - 1939 |
Lương lãnh hàng tháng, bác chỉ bớt lại vừa đủ để trả tiền thuê nhà trọ; tiền cơm và sinh hoạt phí, còn bao nhiêu cuối năm mang về đưa thầy u ở quê giữ hết. Ba năm sau người con gái đầu lòng (chị Phạm Thị Kim Vang) cất tiếng khóc chào đời (năm Tân Tỵ/ 1941).
Hình 7: Giấy thông hành (căn cước) của cụ Nguyễn Thị Chữ được cấp ở Hà Đông ngày 3/5/1943 |
Năm 1943, bác Chữ quyết định vào Nam đoàn tụ với chồng. Cả hai bên gia đình đều không ủng hộ nên cuộc di cư thật muôn vàn khó khăn. Bác gái phải bán chiếc cối đá và một số bát điã bố mẹ chồng chia cho để làm lộ phí đi đường mà vẫn không đủ. May có bà Hiền - người cùng làng cho vay 20 đồng tiền Đông Dương. Tay xách nách mang, cô gái “Bắc Kỳ nho nhỏ” 23 tuổi làng Lai bế đứa con gái 2 tuổi ra Ga Hàng cỏ Nam tiến. Của hồi môn bác gái mang theo là chiếc hòm quần áo bằng gỗ sơn cánh gián nẹp sắt mạ và một chiếc xanh bằng đồng là những vật dụng giá trị nhất lúc đương thời. Bước trên sân ga, còn văng vẳng bên tai lời đe của người anh trai (cụ Hai Chành): “Cô vào Sài Gòn thì chỉ có đi ăn mày mà về làng thôi…”
Sau hơn một tuần lễ, đoàn tàu tuyến Hà Nội – Sài Gòn xình xịch tiến vào ga Hoà Hưng. Trong lòng người vợ trẻ quê mùa ngổn ngang biết bao lo âu hồi hộp vừa sợ vừa vui khi sắp được gặp chồng. Xuống sân ga, bác gái kêu toán phu nhà ga Sài Gòn khiêng giúp chiếc “hòm” từ toa hành lý xuống sân ga mà không biết ở trong Nam người ta không kêu “hòm” (là chỉ chiếc quan tài) mà kêu là chiếc rương đựng đồ đạc, quần áo. Từ đó biết bao lời ăn tiếng nói quen thuộc ở làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ phải thay đổi lại cho phù hợp với miền đất mới.
Hình 8: Chiếc hòm/ rương được cụ Chữ mang từ quê hương Lai Xá vào Sài Gòn lập nghiệp năm 1943. |
4.- Công bằng mà nói, cuộc sống ở Sài Gòn - thủ phủ phương Nam được thiên nhiên ưu đãi cũng không đến nỗi nào. Nhưng vốn liếng không có nên bác trai vẫn phải đi làm thuê cho tiệm hình. Còn bác gái phải đi cất rau đem bán ở chợ Đất Hộ (nay là chợ Đa Kao, quận 1 - TPHCM) để phụ thêm cho sinh hoạt phí hàng ngày. Gia đình đoàn tụ được một năm, đôi vợ chồng trẻ sinh thêm người con trai thứ hai. Ban đầu đặt tên con trai là Trí (Phạm Ngọc Trí). Nhưng khi báo ra Bắc để làm giấy khai sinh và vào sổ đăng ký xuất đinh ở làng thì phát hiện ra, có một ông làm mõ trùng tên Trí mới tới làng lập nghiệp. Cụ Phạm Gia Hân đổi lại thành Chú - Phạm Ngọc Chú. Các đợt sinh nở về sau hai bác Chương đều thỉnh ông nội (Hân) đặt tên cho các cháu. Chỉ tới khi cụ Hân mất (năm Nhâm Thìn - 1952), thì hai bác mới tự đặt tên con theo mạch tên mà cụ Hân đã khởi xướng.
Năm anh Chú mới biết ngồi. Cũng là lúc Sài Gòn bị máy bay đồng minh Anh-Mỹ ném bom (sau Nhật đảo chính Pháp - 9/3/1945). Gia đình hai bác phải đi tản cư lên đồn điền cao su trên Thủ Đức. Ở nơi sơ tán nhà cửa bị mối xông, quần áo hư nát hết. Bác trai chỉ còn độc nhất một bộ đang mặc đi làm. Vì không có tiền mua quần áo mới, bác gái phải đi xin bao đựng bột về cắt may thành quần áo cho chị Vang và anh Chú mặc. Lúc đó kim chỉ cũng khan hiếm, bác gái phải đi tước xơ cây dứa dại làm chỉ để may đồ (khâu tay). Hàng ngày hai bác phải đi bộ hơn chục cây số từ nơi tản cư xuống chợ Đất Hộ bán rau, còn bác trai tới tiệm hình ở trung tâm Sài Gòn làm việc. Một bên quảy rổ rau, một bên thúng đặt đứa con trai vừa mới biết ngồi, chị Vang 4 - 5 tuổi được bố cõng trên lưng. Lúc về có tiền lãi bán rau, cả nhà mới có thể thuê xe thổ mộ (xe ngựa kéo) để về nơi sơ tán. Một hôm, trên đường từ Thủ Đức về Sài Gòn, vừa ra bìa rừng cao su có người lính da đen ở chốt gác vẫy cả nhà lại. Hai bác sợ hết hồn vì bác trai vừa cho người làng mượn thẻ căn cước nên vô cùng lo lắng. Khi tới gần anh lính da đen lấy trong ba lô ra phong bánh Biscuit đưa cho chị Vang và nở nụ cười một cách thân thiện. Có lẽ anh lính cũng có con nhỏ ở nhà bên kia đại dương nên thấy trẻ nhỏ thì nỗi nhớ con đột nhiên ùa về…
Hình 9: Giấy thông hành (căn cước) của cụ Phạm Ngọc Chương được cấp ở Hà Đông ngày 2/9/1937 |
Chiến tranh TG2 kết thúc gia đình hai bác rời rừng cao su về Sài Gòn thuê nhà ở các xóm lao động nghèo ven bờ kênh Nhiêu Lộc. Hoà bình vừa được vãn hồi thì chiến tranh Đông Dương lại nổ ra. Căn nhà hai bác đang thuê, bị Tây bố ráp (truy lùng Việt Minh ẩn náu) và đốt trụi. Bác gái chỉ kịp vơ vội được chút đồ đạc quần áo. Sau khi căn nhà ven bờ kênh bị cháy, không có tiền thuê nhà. Phải xin ở nhờ cũng không ai muốn cho ở vì dị đoan cho rằng người từng bị cháy nhà sẽ đem xui xẻo tới cho gia chủ. May mắn có ông bà Bốn De (chủ tiệm hình Thịnh Ký) cho cả nhà tá túc một thời gian tới khi thuê được nhà mới. Những năm tháng cơ cực đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết bệnh của người con trai thứ tư khi mới 14 tháng tuổi.
Hình 10: Gia đình cụ Phạm Ngọc Chương ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn - 1949 |
5.- Chen vào câu chuyện buồn bác Chương đang hồi tưởng, để xoa dịu bớt không khí nặng nề, tôi khoe năm tôi lên 6 (1960) ở quê hương Lai Xá tôi còn được thầy u dắt đi ăn cỗ đám ma cụ Ả Bôi (Nguyễn Thị Bôi) to lắm. Thịt mấy lợn và bò. Các tảng thịt bò, lợn nóng hổi được pha ra xếp đầy trong 5, 6 chiếc nong to bầy kín cái sân gạch to hạng nhất làng tại nhà thờ Chi Hai họ Phạm nơi gia đình bác Huyền (Ảnh) đang trông nom.
Rồi khi tôi khoảng 15 tuổi (1969), trong đám giỗ cụ Tổ Chi Hai (cụ Phạm Phúc Trường), lần đầu tiên tôi và bà con bản chi được bác Ảnh cho xem tấm hình cỡ 9x12 rất đẹp chụp cả nhà bác Chương đủ 11 người (hai bác và 9 người con - ba gái sáu trai).
Hình 11: Đại gia đình cụ Phạm Ngọc Chương ở Studio gia đình - Sài Gòn 1968 |
Bức hình được ghi từ chụp năm 1968 nhưng phải gửi vòng qua Paris nên gần 1 năm sau mới về tới Lai Xá vào trước ngày việc họ Chi Hai có vài hôm. Thấy tôi kể vậy, bác vui lắm. Bác thay ấm trà mới rót ra hai chén mời tôi “chú uống đi, trà Thái Nguyên ở quê gửi vào đấy… tôi không quen uống một mình, hôm nay có chú vào tôi mới có hứng để uống…” (mặc dù tôi luôn xưng hô bác cháu. Nhưng bác Chương vẫn gọi “chú” và xưng “tôi” đúng ngôi thứ như trong mâm cỗ việc họ hàng năm ở làng). Bẻ đôi điếu thuốc Sông Cầu rồi lạch xạch bật chiếc Zippo châm lửa hút vài hơi thuốc lá xong bác lại kể tiếp: Năm 1954, bác Chương có hùn vốn chung với ông Thọ (học trò cũ của ông Chành ở Hà Nội) mở hiệu ảnh ở Nha Trang lấy tên tiệm là Thọ Chương.
Hình 12: Gia đình cụ Phạm Ngọc Chương chụp ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn lúc vừa được tin cụ Phạm Gia Hân ở quê Lai Xá mất (1952) |
Một năm sau thấy làm ăn không hiệu quả, bác Chương gái được bà Bốn De (bà Thịnh Ký là chị em chú bác với bà Chương) cho vay tiền thuê căn nhà một tầng lầu mặt phố ở 20B Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận Nhất, Sài Gòn để vừa mở tiệm hình vừa làm nhà ở. Mãi sau thêm con cái, nhu cầu sinh hoạt tăng, hai bác cơi nới gác xép ở phần sau rồi làm thêm lầu gác gỗ bên trên. Bóc ngắn cắn dài, bác gái nói không có tiền làm xong ngay một lần nên phải làm dần theo kiểu “rải chiếu”. Con càng đông càng phải tích lũy tiền làm thành từng đợt cho tới khi hoàn tất hai tầng như hôm nay.
Tiệm hoạt động liên tục từ năm 1955 đến bây giờ. Dạo đó do vốn liếng có hạn, nên tiệm hình Ngọc Chương chỉ là căn nhà ống chiều ngang được hơn 3 mét, chiều sâu được hơn hai chục mét. Lúc tiệm hình mới mở, trước cửa còn là bến xe ngựa, vỉa hè còn chưa lát kín như sau này... Tầng trệt được chia ra làm bốn ngăn. Ngoài cùng là phòng treo ảnh mẫu và tiếp khách. Kế tiếp phòng chụp, bên trong là phòng ăn, buồng tối, bếp và công trình phụ. Còn trên lầu hai có ban thờ gia tiên và phòng ngủ của gia đình. Bác trai vừa là chủ vừa là thợ buồng sáng và buồng tối. Bác gái vừa phụ việc vỗ ảnh làm bóng ảnh và trả ảnh. Sau này khi tiệm ăn nên làm ra mới phải thuê thêm một thợ phụ trong tiệm và một người thợ ở tiệm hình Mỹ Lai tới nhận ảnh về chấm sửa tại nhà.
Hình 13: Quang cảnh bến xe “thổ mộ” (xe ngựa) trước cửa tiệm hình Ngọc Chương – 1957 |
Tiệm hình Ngọc Chương sinh sau đẻ muộn lại không bề thế như các tiệm hình nổi tiếng người làng ở các phố sầm uất trung tâm thành phố. Nhưng hầu như tất cả những khách tới chụp hoặc gia công các việc về ảnh đều rất hài lòng về chất lượng ảnh. Ảnh đẹp, bền mà giá cả phải chăng. Bác Chương kể, có một ông khách ăn mặc sang trọng được người bạn giới thiệu đã tới tiệm chụp hình chân dung. Khi tới nơi, thấy tiệm không được khang trang, ông khách chuộng hình thức đã tính bỏ về. Nhưng nghĩ đã tới thì chụp thử vài pô xem sao. Mấy hôm sau tới lấy ảnh không ngờ ảnh quá đẹp, ông ta liền kéo cả nhà tới chụp và từ đó đã trở thành khách quen mấy chục năm dòng…
6.- “Quá tam ba bận”, hai lần đầu mở tiệm ở Việt Trì và Nha Trang đều thất bại. Lần mở tiệm thứ ba đã trụ thành công! Nếu như các tiệm hình tư nhân của người làng Lai nói riêng và các tiệm hình phía Bắc vĩ tuyến 17 nói chung, sau 1954 đi vào suy thoái vì cái gọi là “Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh” theo mô hình kinh tế tập trung kiểu Liên Xô, Trung Quốc. Thì sau 1954, các tiệm hình làng Ta ở Sài Gòn và tại đô thị Miền Nam lại là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất.
Hình 14: Gia đình cụ Phạm Ngọc Chương ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn - 1960 |
Chị Phạm Kim Oanh kể: Khi tôi chào đời, kinh tế gia đình khấm khá hơn trước nhiều. Lúc đó má tôi đã 46 tuổi, các anh các chị lo sữa mẹ không còn tốt cho em bé nữa nên khuyên má nên mua sữa guigoz cho Út Oanh uống thay sữa mẹ. Anh Chú là người thường xuyên được má giao đi mua sữa tốt cho em. Thời trước, kinh tế khó khăn, chỉ những lúc ốm đau má mới dám mua sữa guigoz của Pháp cho các anh các chị dùng. Kinh tế Miền Nam ổn định, mặt bằng sinh hoạt của dân chúng ở Sài Gòn và các đô thị Miền Nam nói chung được nâng cao. Có nguồn thu nhập tốt hàng tháng, gia đình đã có thể mua sắm được những máy ảnh, máy rọi tân tiến cùng các đồ gia dụng hiện đại tiện nghi đời mới như xe máy, tivi, tủ lạnh… đầy đủ. Anh Phạm Ngọc Bình kể, nhiếp ảnh dịch vụ ở Miền Nam trước 1975 khá sôi động. Tiệm hình tư nhân của bác Chương cũng như của người Lai Xá nói chung đều khá giả vì đời sống cũng như nhu cầu về ảnh của người dân trong các đô thị Miền Nam tăng mạnh nên “mô hình sản xuất gia đình” về ảnh của bác Chương rất thuận lợi
Hình 15: Gia đình cụ Phạm Ngọc Chương ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn - 1963 |
Nhưng khi chiến sự ở Nam Việt Nam diễn ra ngày càng ác liệt, tiệm hình đã lâm vào bế tắc khi hai người con trai lớn của bác là anh Phạm Ngọc Chú và Phạm Ngọc Trứ đều bị đi lính quân dịch. Là người tinh thông và cầu toàn trong tất cả các công việc về ảnh, bác không dễ mà thuê được những người thợ ưng ý để duy trì sự hoạt động bình thường của tiệm hình. Từ chỗ bác Chương trai vẫn có cách tư duy của thời phong kiến chỉ chú trọng dạy và truyền nghề cho con trai. Nay bác phải thay đổi tư duy, huy động cả con gái cũng phải biết các công việc về ảnh. Trong thời gian hai anh lớn vắng nhà, chị Phạm Thị Kim Vinh (1949) là người xuất sắc hơn cả. Mọi công việc về ảnh chị đều tinh thông. Giao dịch thương mại cũng khá nên tiệm hình Ngọc Chương có một tay chị chèo chống đã qua được cơn khủng hoảng nhân sự. Chị Út Oanh (1966) tâm sự, chị Vinh đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn mà phải bỏ học để lo toan cho tiệm hình của gia đình.
Hình 16: Đại gia đình cụ Phạm Ngọc Chương trước cửa tiệm hình của gia đình năm 1975 |
Cuối năm 1980, khi bay vào TPHCM triển khai kế hoạch quay phim từ máy bay AN-30 hoạt động khảo sát viễn thám của Viện Khoa học VN (phim “Tổ quốc VN nhìn từ vũ trụ”) ở cao nguyên Langbiang, Vũng Tàu và Đồng bằng Sông Cửu Long, tôi có dịp gặp và trò chuyện về phim ảnh với chị Vinh. Lúc này anh Chú đã mãn khoá học tập cải tạo mấy tháng về để quản lý tiệm hình nên chị Vinh đã chuyển sang công ty Nhiếp ảnh Đống Đa trên đường Nguyễn Huệ làm việc. Nhưng chị luôn bị các Chef trong chế độ mới trình độ tay nghề kém hơn trù dập (chắc họ không ưa cấp dưới giỏi nghề hơn mà trực ngôn) nên chị chán nản đã quyết định bỏ việc để ra đi tìm miền đất mới. Nay gia đình chị đang định cư ổn định ở Úc.
7.- Cuối mùa xuân năm 1985, khi dẫn đầu đoàn phim “Dịch Hạch” vào viện Pasteur TPHCM làm phim trên cương vị đạo diễn kiêm quay phim, tôi có rủ Lại Văn Sinh (biên kịch kiêm phụ quay) tới thăm bác Chương. Hôm đó, đúng lúc tiệm đông khách. TPHCM giữa tháng tư là thời điểm nóng nhất trong năm. Thành phố bị cúp điện thường xuyên. Tiệm phải chụp bằng đèn nguồn điện accu. Sinh vô cùng tò mò khi thấy một ông già gầy gò đặc nông thôn Miền Bắc mặc quần xà lỏn áo may ô từ gác hai xuống rọi chiếc đèn pin tự chế cho anh Chú lấy nét để chụp cho khách. Cụ ân cần góp ý chỉnh sửa gương mặt, tư thế ngồi, đứng cho khách sao cho thật tự nhiên. Rồi lại chỉnh đèn phông, đèn chủ, đèn phụ hỗ trợ cho thợ chụp. Khiến Sinh đặc biệt ấn tượng. Từ đó, mỗi khi tôi có việc ghé qua Sài Gòn vào những lần công tác sau này (1987, 1989, 1990), Sinh thường gửi lời hỏi thăm “Ông già chỉ đạo nghệ thuật” là tôi đã biết bạn ấy muốn nói về ai rồi…
Xuất thân từ nông thôn, chàng trai trẻ họ Phạm làng Lai sau khi học xong cơ bản các công việc về ảnh, với hai bàn tay trắng đã mạnh dạn rời quê hương, rời tổ ấm gia đình, một mình vào phương Nam sinh cơ lập nghiệp. Bốn năm sau mới được đoàn tụ gia đình với vợ cùng con gái đầu lòng. Từ thân phận làm thuê làm mướn vươn lên thành ông chủ, ở môi trường cạnh tranh tư bản khốc liệt. Vừa làm nghề vừa nuôi dạy 9 người con khôn lớn là một thử thách không nhỏ đối với cả hai bác. Các cái tên con cái như: Vang - Chú - Vinh - Trứ - Yên - Bình - Quát - Cẩn - Oanh. Cả do ông nội (cụ Hân) ở làng cùng hai bác đặt đã phần nào nói lên ước vọng chân thành vừa thăng hoa vừa giản dị trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của quê hương đất nước.
Hình 17: Cụ Phạm Ngọc Chương trên đường đi làm - Sài Gòn 1939 |
Anh Bình và chị Oanh kể, ba tôi có thói quen, vừa ăn cơm chiều vừa ngủ gật. Buông bát đũa cụ ra võng ở hiên nhà trên gác hai nằm vừa bật đài BBC nghe tin tức thời sự vừa chìm vào giấc ngủ. Tới nửa đêm khi cả nhà đang ngon giấc, cụ lặng lẽ trở dậy tráng phim, rọi (in phóng) hình. Xong việc lại nghiên cứu tự chế các dụng cụ đồ điện như máy sạc accu, các tấm Parasoleil (che ống kính), che đèn để tạo ra các hiệu ứng ánh sáng khác nhau trong phòng chụp (Studio). Thảo nào khi dẫn tôi đi thăm cơ ngơi của gia đình, không chỗ nào tôi không thấy treo toòng teng các máy sạc accu tự chế của bác. Sau khi hai con trai lớn phải đi lính, bác chủ trương con cái cả trai lẫn gái ai cũng phải biết nghề để có thể làm được tất cả các công việc trong tiệm. Nhờ vậy, hầu như tất cả con cái của hai bác đều thuần thục làm ảnh và được bà con làng nghề ở Sài Gòn/ TPHCM rất nể trọng. Ngay sau 1975, gia đình bác đã mua lại được căn nhà nơi đã thuê để ở và mở tiệm từ lúc khởi nghiệp - 1955 và mua thêm được một căn nhà 3 tầng lầu ở cách tiệm không xa – Đường Trần Khắc Chân – Tân Định. Trong thành công về nghề của bác trai và sự phát triển của tiệm hình Ngọc Chương phải kể tới sự đóng góp quan trọng của người bạn đời tần tảo tháo vát và quyết đoán là bác gái Nguyễn Thị Chữ bởi những hỗ trợ rất đắc lực trong các bước ngoặc lớn của gia đình. Xuất thân từ cô gái vóc dáng vóc dáng nhỏ nhắn quê mùa vốn chỉ biết tới nông thôn đồng ruộng và canh cửi. Lần đầu ra tỉnh lại ở “Hòn Ngọc Viễn Đông” xa quê hàng ngàn cây số. Hành trình lập thân lập nghiệp ban đầu thập phần khó khăn. Từ đôi quang gánh bán rau, và đảm nhận các công việc không tên như chợ búa cơm nước chăm con cái. Cho tới phụ giúp chồng ngâm vỗ, làm bóng ảnh, lúc ban đầu láng bóng ảnh còn rất thô sơ, chỉ bằng các tấm kính dày bôi mật lợn vớt ảnh dán úp lên kính đem phơi khô. Rồi cắt ảnh, phong bao, trả ảnh cho khách. Không việc gì lặt vặt trong tiệm mà bác gái không thạo.
Hình 18: Gia đình cụ Phạm Ngọc Chương trước cửa tiệm hình ở 20B Trần Quang Khải - Sài Gòn 1957 |
Tôi gặp lại bác gái sau 16 năm xa cách.
Đầu năm 2006, anh Cường Vạn có chở tôi tới Trần Khắc Chân thăm bác gái. Lúc này bác trai đã mất được 5 năm rồi, bác gái cũng già yếu nên di chuyển phải có chị Vang hỗ trợ. Nhưng vừa gặp tôi, bác gái đã nhận ra ngay. Tôi chào và hỏi thăm bác. Lúc này bác nặng tai, bác có còn nghe thấy gì nữa đâu. Nhưng ánh mắt rạng rỡ của bác đã nói lên tất cả. Tôi rưng rưng cảm động nhớ lại những tình cảm mà bác giành cho tôi từ những ngày bác còn khỏe mỗi lần vào làm phim ở TPHCM về lại Hà Nội, bác lại xăng xái chạy ra chợ Bà Chiểu lựa những giỏ trái cây tươi ngon nhất để kêu các anh mang tới khách sạn cho tôi trước giờ ra sân bay.
Ôn lại những kỷ niệm về hai bác, anh Bình kể, khi bác trai mất được 10 năm thì bác gái tự dưng cho gọi thợ điện tới lắp điều hoà nhiệt độ ở gian phòng nơi bác vẫn nằm bên cạnh phòng chụp ở 20B Trần Quang Khải. Bác gọi các con cháu tới dặn dò tỉ mỉ các công việc hậu sự, bác mãn nguyện nói, mọi công nợ bà con ân nhân đã giúp đỡ hai bác và gia đình trong những lúc khó khăn bác đã trả nợ xong hết. Bây giờ bác thanh thản ra đi vì không muốn làm phiền con cái nhiều thêm nữa. Anh Bình kể tiếp, “một hôm má tôi vừa ăn xong tô bún riêu, lại đòi ăn thêm chút bánh mì nữa. Lúc đang cầm miếng bánh mì thì tự dưng miếng bánh rời khỏi tay, cụ lả dần. Được cấp cứu kịp thời, cụ lại tỉnh. Song cụ không muốn nằm viện nên đòi về nhà. Bác sĩ và con cái không đồng ý, chị Vang và chị giúp việc (Osin) ngoài tiệm giành nhau được ở lại trong viện để chăm sóc cụ vào ban đêm. Trước lúc cụ hôn mê cụ còn dặn con cái, sau khi cụ ra đi, cụ muốn biếu thêm 100 $USD cho chị Osin ngoài tiền lương tháng. Chị giúp việc kiên quyết không chịu nhận. Nhưng đã là lời sau cùng của người thiên cổ ai dám làm trái… “Đám tang của má tôi có đầy đủ ban nhạc Tây, nhạc Ta theo đúng ý nguyện cuối cùng của cụ. Má tôi còn bảo con cái, má muốn rời cõi tạm trên chính chiếc giường (bằng sắt) mà hai cụ đã từng nằm mấy chục năm ròng ở 20b Trần Quang Khải”. Cụ muốn ra đi trong cả tiếng nhạc hùng tráng mà người Tây Phương mang tới Sài Gòn. Thì ra sự ám ảnh cái câu “Cô vào Sài Gòn thì chỉ có đi ăn mày mà về …” của người anh trai bạc miệng (mà chưa chắc đã bạc tình) vẫn ám ảnh cụ cho tới lúc hai cụ sắp được đoàn tụ vĩnh hằng bên nhau…
Hình 19: Hai vợ chồng cụ Phạm Ngọc Chương - Sài Gòn 1976 |
8.- Thay cho lời kết:
Không biết nghe ai mách bảo mà từ hơn tháng trước, anh Phạm Anh Tuấn - Trưởng họ Phạm Đại Tôn làng Lai Xá gọi điện tha thiết nhờ bằng được tôi viết bài giới thiệu về tiệm hình Ngọc Chương. Thú thật sau khi nhận lời thấy rất lo. Lần gần nhất gặp bác trai cũng 32 năm rồi. Còn bác gái thì cũng hơn 16 năm. Những tâm sự riêng tư giữa bác trai và tôi nhiều nhất lại trong lúc bác chở tôi bằng Honda đi loanh quanh thăm Sài Gòn. Nhớ nhớ, quên quên mấy chục năm dâu bể làm sao tránh khỏi những sai sót. Rất mong các bậc cao minh trong họ mạc và trong làng nước đại xá cho.
Hôm nay trên quê hương Lai Xá thân yêu lại đang diễn ra lễ Tưởng niệm 76 năm ngày mất của cụ Nguyễn Đình Khánh và 130 năm ngày khai trương tiệm hình Khánh Ký đầu tiên ở phố Hàng Da Hà Nội. Nhìn tấm hình chân dung cụ Khánh do ông cựu “Cảm tử quân của thủ đô” - trung tá Đặng Tích đưa lên trên trang Đất và Người Lai Xá khiến tôi lại nhớ tới tấm hình giống hệt như thế này mà tôi đã bọc giấy báo ôm về trên ghế sau chiếc Honda do bác Chương cầm lái trong một buổi chiều hè oi ả của SG/ TPHCM đúng 32 năm trước để cứu tấm ảnh đang bị mối xông. Lúc ấy tận mắt tôi còn nom thấy hũ tro cốt của cụ Tổ Làng Nghề do ông Nguyễn Văn Quảng, trưởng nam của cụ Khánh gửi từ Paris về Sài Gòn được an trí trên ban thờ LAI XÁ NGUYỄN ĐƯỜNG. Đằng sau hũ tro còn ghi rõ cả địa chỉ tư gia của ông Quảng ở bên Pháp.
Lúc chưa sang Đức sống, tôi đã từng viết một bức thư cho ông Quảng. Sau đó tôi nhận được thư hồi âm của ông ấy. Nhưng do ông Quảng không nói được tiếng Việt. Mà tôi lại không biết tiếng Pháp nên chúng tôi không còn liên hệ với nhau nữa. Bây giờ nghe nói hũ tro cốt của cụ Tổ Làng Nghề đang thất lạc chưa biết ở đâu. Nhà quay phim HTV Phí Đức Quang - Cháu ngoại cụ Khánh Ký nói chuyện qua Inbox với tôi như thế. Chả biết xung quanh câu chuyện thất lạc hũ tro cốt của cụ Tổ Làng Ảnh có điều gì uẩn khúc hay không? Tôi ở xa quê, không biết được những biến động ở quê nhà nên chẳng dám tuỳ tiện đưa ra suy đoán gì...
Cách đây vài hôm, một người bạn đồng môn với tôi từ hơn nửa thế kỷ trước. Khi lần đầu được chiêm ngưỡng tấm chân dung sau cùng của cụ Phạm Ngọc Chương thì giật mình vì thấy người cháu ruột đang sống ở quê Lai Xá (anh Phạm Ngọc Toàn, gọi cụ Chương là chú) giống y hệt. Cả cái sở thích về già, anh Toàn thường lọ mọ nghiên cứu sửa chữa các đồ điện tử... thì chắc cũng cùng một gene với ông chú rồi.
Lời cuối, xin chân thành cám ơn anh Bình và chị Út Oanh đã ân cần cung cấp tư liệu ảnh, hiệu đính và bổ sung những chi tiết mà tôi còn sơ xuất trong bài viết này!
Hamburg-CHLB Đức, 20.05.2022
Phạm Cường