Giới thiệu
Đình làng Lai Xá thờ Đức Thánh An Sinh Vương Trần Liễu là một danh tướng đời Trần, Đức Thánh là anh ruột vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh).
Đức Thánh là người sinh ra Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – người anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Đức Thánh là con trai đầu của cụ Trần Thừa và cụ Lê Thị Yên, người làng Tức Mặc, huyện Chí Linh, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định. Ngài sinh vào năm Giáp Tuất (1214), tháng Giêng, ngày 08 và hóa vào năm Kỷ Mão (1279), tháng giêng, ngày 04, thọ 66 tuổi.
Trải qua những tháng năm biến đổi của lịch sử, lúc thời gian này là năm Mậu Tý (1228), Triều đình đã phong cho Đức Thánh chức Thái Úy và cử người vào Thanh Hóa chinh phạt giặc Chiêm Thành sang xâm lấn bờ cõi.
Đức Thánh cũng là vị Tư lệnh miền Duyên Hải đầu tiên của đời nhà Trần lúc bấy giờ, Đức Thánh là người có tâm đức, Ngài thương dân như con, Ngài đi đến đâu cũng dạy bảo cho lê dân cách làm ăn, khai khẩn mở mang cuộc sống ấm no. Ngài chăm lo tổ chức cuộc sống cho dân được an cư lập nghiệp, hạnh phúc phồn vinh. Sự vững mạnh của đất nước là nhân tố quan trọng để đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của Đế quốc Nguyên Mông – một tên đầu sỏ của thế kỷ XIII.
Trần Thái Tông đã phong cho Đức Thánh chức tước cao quý là An Sinh Vương, Hiển Hoàng, Phù Chính, Phù Quốc và mãi về sau này các triều đại như Cảnh Thịnh, Thành Thái, Tự Đức, Duy Tân,… phong tặng 14 sắc phong để nói lên tâm đức, văn võ song toàn của một danh tướng như Ngài.
Sau khi Ngài dẹp yên giặc Chiêm Thành, về triều Ngài đã từ quan, quy tòng đạo phật, lịch khán sơn xuyên, thanh thản bình tâm nghiên cứu lịch sử, tế độ nhân duyên, nhàn du thiên hạ. Ngài đã đi thăm lại những nơi Ngài đóng quân như Hộ Gia Thần, Thang Mộc. Rồi một hôm, Ngài cùng Lã Thái Hậu và Cung phi Nguyệt Nương về ấp Lai Hương mà triều đình đã phong tặng là Hộ Gia Thần, cũng là lúc xóm ấp đang bị nạn dịch hoạn chết người, súc vật chết, bao đau thương đè nặng lên xóm ấp. Ngài đã lập tức đem của cải của mình để cứu giúp cho dân ấp Lai Hương. Ngài lên chùa Linh Bảo tự, Chùa Bảo Liên Tự (nay là chùa Bảo Tháp) để cầu nguyện về tâm linh cứu nhân dân ấp Lai Hương qua cơn dịch hoạn. Ngài đã lưu lại sống cùng dân ấp sáu tháng liền. Ngài để cho Lã Thái Hậu và Cung Phi Nguyệt Nương vào ở giữa ấp (nay là Đình Đụn) để hòa đồng với dân ấp. Ngài tiếp tục giúp đỡ người già cả không nơi nương tựa, đồng thời lập sớ biểu tâu miễn tất cả các tạp dịch phu phen và đồng thời sắp xếp ổn định cuộc sống làm ăn cho nhân dân trong xóm ấp.
Ngày ấy chính là ngày rằm tháng 2 năm Giáp Tuất (1274)
Trước khi về quê, Ngài đã cho dân ấp tu sửa lại chùa chiền – là nơi thờ cúng và cho dân ấp Lai Hương xây quán để kỷ niệm nơi Ngài với Trần Thủ Độ giao chiến một ngày không phân thắng bại (Hiện là Quán Lai Xá) được xây dựng năm Kỷ Mão (1279).
Để nhớ lại công ơn trời biển của Ngài, dân xóm ấp đều tránh các tên húy kỵ như:
Cao: Phát âm là Kiêu
Hồng: Phát âm là Hường
Quốc: Phát âm là Cúc
Liễu: Phát âm là Lão
Tổ Quốc: Phát âm là Tổ Quắc
Nguyệt: Phát âm Ngoạt
Tất cả không được mặc áo màu vàng tía
Cũng từ đây dân xóm ấp Lai Hương đã lấy ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm là ngày kỷ niệm ghi nhớ công ơn của Ngài, dân ấp Lai Hương mở hội tế lễ ở Quán và Đình Đụn.
Sau khi Ngài hóa, triều đình đã cho dân ấp Lai Hương (Lai Xá ngày nay) mỹ tự để thờ Người và tôn vinh là Thành Hoàng làng từ đấy.
--------------------------------------------
Nguồn: Ban tổ chức lễ hội làng Lai Xá năm 2025