Từ xa xưa, các cụ truyền miệng rằng Cụ Tổ họ Phạm thôn Lai Xá xuất thân từ làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Trong thời gian chiến tranh, loạn lạc, việc kết nối thông tin giữa các cụ cao tuổi trong dòng họ với các thế hệ sau lắng xuống. Việc giao lưu con cháu của họ Phạm thôn Lai Xá với họ Phạm làng Bát Tràng bị gián đoạn.  

 Từ khoảng năm 1920 đến năm 1990, các cụ cao niên trong dòng họ còn biết những thông tin về nguồn gốc cụ thể của Cụ Tổ chúng ta ở Bát Tràng lần lượt về với tiên tổ. Không có văn bản cụ thể nào được lưu cho con cháu về sau. Chỉ biết rằng một số cụ còn nhắc lại là các bậc tiền bối xa xưa có về dự giỗ Tổ ở họ Phạm làng Bát Tràng. Một trong số rất ít các cụ đó là cụ Phùng Thị Duyên (1906 – 2002). Cụ lấy cụ ông là cụ Phạm Văn Tập ở chi 6 (1904 – 1966), nên cứ gọi cụ bà là Cụ Tập. Nhắc đến tên Cụ Tập thì ai ai trong dòng họ cũng biết đến cụ vì cụ là con dâu của dòng họ sống ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, nhưng ít khi giỗ Tổ 1 – 3 mà cụ không về. Hễ ngày giỗ Tổ mà không thấy Cụ Tập là nhiều người lại hỏi thăm, lại nhắc đến cụ, phải chăng cụ bệnh hay bận việc gì. Lúc sinh thời, Cụ Tập là người nhắc đến thông tin rằng chính cụ xa xưa đã được về ăn giỗ ở họ Phạm làng Bát Tràng. Cụ cho biết thêm một thông tin quan trọng là “họ Phạm dưới đó có nhà thờ”. 

Dưới đây là hình anh cụ Phùng Thị Duyên, cụ về dự giỗ Tổ chắc là lần cuối trong đời ngày 1 - 3 ÂL năm Canh Thìn (5 - 4 - 2000) vì không biết năm 2001 cụ có còn về dự giỗ Tổ được không. Hai năm trước khi cụ qua đời năm 2002 ở tuổi 96, cụ vẫn đi bộ từ Dương Liễu về Lai Xá dự giỗ Tổ. Cụ mặc áo dài đỏ ngồi ở hàng ghế trước (thứ ba), góc dưới bên phải.

Cu Phung Thi Duyen - Cu Tap

 

Năm 1997, với mong muốn của nhiều con cháu trong họ là phải “tìm về cội nguồn”, tôi và cụ Phạm Văn Phú chi 3 (trưởng ban khánh tiết) đã tìm về làng Bát Tràng. Vào một ngày tháng 6, chúng tôi tìm về Bát Tràng, mặc dù chưa biết làng Bát Tràng cụ thể ở đâu, chỉ biết qua cầu Long Biên rẽ phải. Tôi và cụ Phú đi xe máy và cứ hỏi thăm dần, rồi cuối cùng cũng đến nơi khoảng 12 giờ trưa của một ngày nắng nóng.

Tới đầu làng, thấy nhà nhà đều có lò gốm, người làm công, dân làng tấp nập, thế là yên tâm không “bị lạc”. Hỏi thăm rồi đi dọc đường làng, rẽ qua mấy ngõ tới bờ sông Hồng rồi gặp một người phụ nữ khoảng 50 tuổi. Bà đó tận tình dẫn tôi và cụ Phú tới nhà cụ Phạm Văn Tuyên chi 1 (nhà cụ sát bờ sông Hồng). (Cụ Phạm Văn Tuyên sinh năm 1926  mất năm 2015) Nhìn cụ Tuyên mà tôi thấy ở cụ có nét gì đó “họ Phạm”, mặc dù biết đó chỉ là cảm giác của sự gần gũi. Cụ tiếp đón chúng tôi nhiệt tình. Sau khi giới thiệu và chuyện trò, cụ đồng ý dẫn chúng tôi vào thăm nhà thờ. Nhà cụ Tuyên cách nhà thờ khoảng 200 m. Cụ Tuyên cho biết làng Bát Tràng có hai họ Phạm. Một họ Phạm Ngũ chi và một họ Phạm Tứ chi. Họ Phạm Ngũ chi có nhà thờ từ lâu năm. Quyền trưởng tộc họ Phạm Ngũ chi là ông Phạm Văn Mai. Họ Phạm Tứ chi thờ Tổ tại nhà riêng của ông trưởng tộc tên là Phạm Huy Thanh.

 Mọi thông tin ban đầu về hai họ Phạm ở Bát Tràng tôi và cụ Phú trao đổi lại với ban khánh tiết và các cụ trong họ. Cùng nhau suy xét, các cụ đều xác định Cụ Tổ họ Phạm Lai Xá ra đi từ họ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng. Điều này khớp với điều cụ Phùng Thị Duyên cho biết là cụ đã đi ăn giỗ ở họ Phạm làng Bát Tràng (họ Phạm dưới đó có nhà thờ).

 Đầu năm 1998 (khoảng 2 – 3 lần), ban khánh tiết tổ chức các đoàn gồm các cụ, các ông trong ban khánh tiết tiếp tục về họ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng để tìm hiểu cội nguồn, tìm hiểu Gia phả của họ Phạm Lai Xá và họ Phạm Bát Tràng.

 

Họ Phạm làng Bát Tràng

 

Cụ Phạm Văn Tuyên, ông Phạm Văn Hòa, ông Phạm Văn Mai cho biết: vào khoảng đầu thế kỷ thứ 16, ba anh em ruột từ làng Bồ Bát chấn Thanh Hoa, (nay là tỉnh Ninh Bình)  di cư ra làng Bát Tràng. Cụ anh cả về lập nghiệp ở Đôn Thư, Thanh Oai, Hà Nội, cụ thứ hai định cư ở làng Bát Tràng, cụ thứ ba sinh sống ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Tới nay, cả ba địa phương đều có nhà thờ họ Phạm. Con cháu phát triển qua nhiều thế hệ.

Cụ Phạm Văn Tuyên cho biết: Gia phả của họ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng bị thất lạc. Lúc cụ còn nhỏ, trẻ trâu vào nhà thờ lấy Gia phả đi làm diều thả ở bãi ven sông Hồng vì Gia phả bằng “giấy bản” (giấy mỏng và nhẹ). Cụ cũng cho biết thêm: nhà thờ ở ven sông Hồng, mùa nước lên có khi nước ngập vào cả nhà thờ, nên Gia phả có thể bị mục nát hay bị nước cuốn trôi.

 Sau khi tọa đàm qua lại 4 – 5 lần, họ Phạm Lai Xá mời đại diện họ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng lên Lai Xá thăm nhà thờ.

 Ngày 17 – 9 – 1999 (8 – 8 năm Kỷ Mão) Đại diện họ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng lên thăm họ Phạm Lai Xá và giao lưu tìm hiểu.

 

Họ Phạm ngũ chi làng Bát Tràng

 

Họ Phạm ngũ chi làng Bát Tràng

 

Đoàn gồm: cụ Phạm Văn Tuyên (chi 1), cụ Phạm Lâm Trúc (chi 1), cụ Phạm Mạnh Hưng (chi 3), ông Phạm Xuân Hòa (chi 3), bà Phạm Thị Nga (chi 3), bà Phạm Thị Hạ (chi 5), ông Đỗ Đức Hải và ông Phạm Hồng Thái (chi 5).

 

Họ Phạm ngũ chi làng Bát Tràng

 

Qua tìm hiểu các hoành phi, câu đối và giao lưu, trao đổi, họ Phạm Lai Xá và họ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng thừa nhận họ Phạm Lai Xá là một dòng phái của họ Phạm làng Bát Tràng.

 

Họ Phạm Ngũ chi làng Bát TràngHọ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng

 

 Họ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng tặng họ Phạm Lai Xá một đôi lọ lộc bình nhân chuyến giao lưu năm 1999.

Họ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng

 

Ông Đỗ Đức Hải tặng cho họ Phạm Lai Xá một đôi câu đối làm kỷ niệm nhân dịp lên thăm nhà thờ họ Phạm Lai Xá năm 1999: “THU CẢ NHÂN GIAN VÀO ÁNH MẮT – ĐƯA RA XÃ HỘI NÉT GHI LÒNG”

Từ năm 2000 trở đi, họ Phạm Lai Xá và họ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng chính thức thống nhất duy trì liên lạc, giao lưu và tiếp tục tìm hiểu về mối liên hệ giữa hai dòng họ. Hai họ cử đại diện tới dự giỗ Tổ của nhau theo lời mời. Ngày 1 – 3 ÂL là ngày giỗ Cụ Tổ họ Phạm Lai Xá và ngày 3 – 3 ÂL là ngày giỗ Cụ Tổ họ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng. Các cụ, ông bà, con cháu họ Phạm Lai Xá rất hồ hởi mỗi dịp về dự giỗ Tổ ở Bát Tràng. Có năm phải thuê cả chuyến xe 29 chỗ đi dự giỗ.

 Năm 2001, nhân dịp về dự giỗ Cụ Tổ họ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng, họ Phạm Lai Xá tới thăm nơi thờ Cụ Tổ họ Phạm Tứ chi làng Bát Tràng. Trưởng tộc: ông Phạm Huy Thanh, xóm 3, làng Bát Tràng. Đoàn cũng có ý tìm hiểu Gia phả của họ Phạm Tứ chi nhưng không tìm được manh mối hay mối liên hệ nào giữa họ Phạm Tứ chi làng Bát Tràng và họ Phạm làng Lai Xá. Ngày giỗ Cụ Tổ họ Phạm Tứ chi là ngày 15 – 1 ÂL. Họ Phạm Tứ chi do cụ Phạm Đình Khôi là trưởng nam đời thứ nhất.

 

Họ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng

 

Năm 2009, được sự giới thiệu của họ Phạm Ngũ chi làng Bát Tràng, họ Phạm Lai Xá biết được Cụ Tổ họ Phạm, Địch Đình, làng Địch Vỹ, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội cũng từ làng Bát Tràng lên lập nghiệp.

Ngày 1 – 3 – 2010, ông Phạm Quang Hùng (sinh năm 1956) – Trưởng họ Phạm làng Địch Vỹ, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội về thăm nhà thờ họ Phạm làng Lai Xá. Hai bên tọa đàm, trao đổi và biết được Cụ Tổ họ Phạm làng Địch Vỹ là cụ Phạm Quang Sảng, giỗ ngày 9 – 3 AL. Cụ cũng từ họ Phạm làng Bát Tràng di cư lên làng Địch Vỹ. Tính đến nay, hậu duệ của Cụ Tổ làng Địch Vỹ khoảng 14 đời. Từ đó họ Phạm làng Lai Xá và họ Phạm làng Địch Vỹ cũng coi nhau là anh em họ hàng có cùng nguồn gốc xuất thân. Hai họ mời nhau tới dự giỗ Tổ 1 – 3 ở Lai Xá và 9 – 3 ở Địch Vỹ hàng năm.

Tôi xin điểm qua quá trình tìm về cội nguồn của dòng họ về làng Bát Tràng như vậy để các con cháu, hậu duệ sau này biết được và tiếp nối. Mong các con cháu tiếp tục tìm hiểu về mối quan hệ giữa họ Phạm Lai Xá và họ Phạm làng Bát Tràng.

Lai Xá ngày 15 tháng 4 năm 2022

Quyền trưởng nam: Phạm Anh Tuấn